Liên Hệ | English
Danh Mục
Giới thiệu
Phổ biến kiến thức
Tư vấn
Cuộc sống sau điều trị
Bệnh học ung thư
Dịch vụ y tế
Ung thư trẻ em
Công trình nghiên cứu
Diễn dàn
Tin tức & Sự kiện
Hợp tác
Liên hệ
Đường dây nóng
Liên Kết Website
Tìm kiếm
 
Counter engine
HTML Hit Counters
Bệnh học ung thư

Mô học của các u buồng trứng

1. U biểu mô - mô đệm bề mặt

Các u biểu mô - mô đệm bề mặt là các u phổ biến nhất của buồng trứng.

1.1. Các u thanh dịch

Mã ICD-O:

Ung thư biểu mô thanh dịch                     8441/3

U giáp biên thanh dịch                   8442/1

U thanh dịch lành tính

U tuyến nang nhú thanh dịch                  8460/0

U tuyến nang thanh dịch               8441/0

U nhú bề mặt thanh dịch               8461/0

U xơ tuyến thanh dịch

U xơ tuyến                                         9014/0

1.1.1. Ung thư biểu mô tuyến thanh dịch

Cấu trúc của u thay đổi từ tuyến nhú đến đặc. Các tuyến có hình khe điển hình hoặc không đều và có mật độ tế bào cao. Trong các u kém biệt hoá, các vùng đặc thường lan rộng và bao gồm các tế bào kém biệt hoá đứng thành các dải với các cụm nhú nhỏ được phân cách bởi mô đệm dạng nhày hoặc kính hoá. Có thể có các thể cát với số lượng khác nhau. Mô đệm có thể nghèo nàn hoặc sinh xơ. Ung thư biểu mô thanh dịch có thể chứa các loại tế bào khác như một thành phần tối thiểu (dưới 10%) có thể gây khó khăn cho chẩn đoán nhưng không ảnh hưởng đến diễn biến bệnh.

1.1.2. U giáp biên thanh dịch có vi xâm nhập

U giáp biên thanh dịch có vi xâm nhập là u thanh dịch buồng trứng có tiềm năng ác tính thấp bộc lộ xâm nhập mô đệm sớm, có đặc điểm là sự hiện diện của các tế bào riêng lẻ hoặc các cụm tế bào u về tế bào học giống các tế bào của u không xâm nhập. Có thể có một hoặc nhiều ổ xâm nhập nhưng không ổ nào vượt quá 10mm2.

1.1.3. U giáp biên thanh dịch

Các dấu ấn của u giáp biên thanh dịch phân biệt nó với một u tuyến nang là sự quá sản biểu mô tạo thành các nhú với các trục liên kết xơ phù, các nhú kết hợp với các cụm tế bào bong hoặc bơi trong chất dịch và mức không điển hình của nhân từ nhẹ đến trung bình. U giáp biên thanh dịch được phân biệt với ung thư biểu mô thanh dịch bởi không có xâm nhập phá hủy mô đệm. Các tế bào tăng sinh thay đổi từ các tế bào nhỏ đồng đều với các nhân bắt màu đậm tới các tế bào sáng, có bào tương ưa toan với hoạt động nhân chia thay đổi và nói chung thấp. Các thể cát có thể có nhưng không nhiều như trong ung thư biểu mô thanh mạc.

       U thanh dịch giáp biên được chia thành các typ điển hình và vi nhú. Typ điển hình chiếm phần lớn (90%) các u thanh dịch giáp biên và có cấu trúc chia nhánh kinh điển. Các typ vi nhú chiếm một tỷ lệ nhỏ (5 - 10% các u). Typ này có tăng sinh ổ hoặc lan toả của các tế bào trong các vi nhú mảnh, kéo dài với ít hoặc không có mô đệm nâng. Các vi nhú có chiều dài ít nhất gấp 5 lần chiều rộng, phát sinh trực tiếp từ các nhú với các lõi xơ dày (chia nhánh không xếp lớp tạo nên hình ảnh giống "đầu sứa"). Hình thái ít phổ biến hơn là dạng mắt sàng và tăng sinh hầu như đặc của các tế bào không dính nhau nằm trên các lõi nhú. Hình thái phát triển ít nhất 5mm liên tục của bất kỳ một trong ba hình thái này là cần thiết để chẩn đoán u giáp biên vi nhú thanh dịch. Có tới 30% các u giáp biên thanh mạc kết hợp với các u trên mặt ngoài buồng trứng và khoảng 2/3 các trường hợp kết hợp với cấy ghép phúc mạc.

1.1.4. U giáp biên bề mặt thanh dịch

       Trong biến thể này, các lõi dạng polyp được tạo thành các nhú mảnh với hình ảnh của u giáp biên thanh dịch chiếm mặt ngoài buồng trứng.

 1.1.5. U xơ tuyến giáp biên thanh dịch và u tuyến nang

       Trong biến thể này, biểu mô phủ của các tuyến và/hoặc nang của u xơ tuyến hoặc u xơ tuyến nang có hình ảnh của u giáp biên thanh dịch thay cho biểu mô lành.

1.1.6. U thanh dịch lành tính

Các u thanh dịch điển hình được lợp bởi một biểu mô giống biểu mô của vòi trứng hoặc ít phổ biến hơn là các tế bào chế tiết không có nhung mao. Có ý nghĩa chẩn đoán đặc biệt là các nang được phủ bởi một biểu mô dẹt, một số có thể là các u thanh dịch lành tính với biểu mô phủ bị bong ra.

1.2. Các u nhầy

Mã ICD-O

Ung thư biểu mô tuyến nhầy                                            8480/3

U xơ ung thư biểu mô tuyến nang nhầy                        9015/3

            U giáp biên nhầy                                                     8472/1

            U tuyến nang nhầy                                                 8470/0

1.2.1 Ung thư biểu mô tuyến nang nhầy và các u liên quan         

Khi không có sự xâm nhập mô đệm rõ rệt, xâm nhập được thừa nhận nếu có các vùng nhú phối hợp hoặc các tuyến áp sát nhau được phủ bởi các tế bào ác tính với ít hoặc không có mô đệm xen kẽ nhận biết được. Để xác định sự ác tính thực sự, các vùng ít nhất phải có diện tích 10 mm2 và ít nhất kích thước của một trong hai cạnh là 3 mm. Thêm vào đó, xâm nhập có thể dưới dạng các tuyến, ống nhỏ, dây hoặc ổ tế bào xâm nhập, mô đệm có thể giống mô đệm của buồng trứng hoặc là mô đệm sinh xơ. Trong nhiều trường hợp có các vùng có vẻ lành tính hoặc giáp biên. Hiếm hơn, các u nhầy chứa các vùng u xơ tuyến nhầy với các tế bào biểu mô ác tính và các ổ xâm nhập mô đệm.

1.2.2. U giáp biên nhầy loại ruột (u nhầy tiềm năng ác tính thấp, loại ruột; u nhầy ác tính giáp biên, loại ruột).

Các vùng giống u tuyến nang nhầy là phổ biến. Trong các vùng giáp biên các tế bào phủ các nang là nhiều lớp (thường không quá ba lớp) và có thể tạo thành các hình nhú nội nang hình ngón tay với mô đệm nâng đỡ tối thiểu. Các nhân lớn hơn với nhiều hình nhân chia hơn trong các u tuyến nang. Có các tế bào hình cốc và đôi khi có các tế bào Paneth. Hình thái chung giống polyp đại tràng tăng sản hoặc u tuyến. Một số hoặc hầu hết các tế bào biểu mô phủ các nang của các u giáp biên typ ruột có thể ác tính về tế bào học và có thể xếp lớp tới bốn hoặc nhiều hơn các lớp tế bào dưới dạng đặc, nhú hoặc dạng mắt sàng.

1.2.3. U giáp biên nhầy giống cổ trong tử cung (u nhầy tiềm năng ác tính thấp, giống cổ trong tử cung, u nhầy ác tính giáp biên, giống cổ trong tử cung, u giáp biên nhầy muller)

Typ u này khác u giáp biên typ ruột trong đó sự phát triển trong nang bao gồm các nhú lớn lồi ra có thể giống như các nhú của u giáp biên thanh thanh dịch. Các tế bào biểu mô phủ các nhú là các tế bào chế nhầy hình trụ và các tế bào tròn có bào tương ưa toan, các tế bào với bào tương ưa toan này thường có hình ảnh lát tầng rõ rệt với các cụm tế bào bị bong ra. Các nhân chỉ không điển hình nhẹ. Trường hợp điển hình có nhiều tế bào viêm cấp trong các nhú hoặc bơi tự do trong khoang ngoài tế bào.

1.2.4. Các u nhầy lành tính

Các u nhầy lành tính bao gồm các u tuyến nang, u xơ tuyến nang và u xơ tuyến. Các u này có chứa các tuyến và các nang được phủ bởi biểu mô trụ nhầy. Sự xếp lớp tế bào là tối thiểu và các nhân thường khu trú ở đáy và chỉ có không điển hình nhẹ của tế bào hoặc không có. Một u nang bì cùng bên gặp trong 3 – 5% các trường hợp. U xơ tuyến nhầy không phổ biến và bao gồm chủ yếu là mô đệm xơ.

1.3. Các u dạng nội mạc

Các u dạng nội mạc là các u của buồng trứng lành tính, tiềm năng ác tính thấp hoặc ác tính giống với các typ khác nhau của các u dạng nội mạc (biểu mô và/hoặc mô đệm) của thân tử cung. Mặc dù nguồn gốc từ một lạc nội mạc tử cung có thể được chứng minh trong một số trường hợp, nó không phải là điều kiện cần thiết cho chẩn đoán.

Mã ICD-O

Ung thư biểu mô tuyến dạng nội mạc loại không đặc biệt     8380/3

Biến thể biệt hoá vảy                                              8570/3

Biến thể nhung mao                                               8383/3

Biến thể ưa toan                                                      8290/3

Biến thể chế tiết                                                       8382/3

U xơ ung thư biểu mô                                                                    8381/3

U muller hỗn hợp ác tính                                                   8590/3

Ung thư biểu mô tuyến sacôm                                         8933/3

Sacôm mô đệm dạng nội mạc                                                      8930/3

U giáp biên dạng nội mạc                                                  8380/1

U tuyến nang                                                                                   8380/0

U xơ tuyến, u xơ tuyến nang                                                        8381/0

1.3.1. Ung thư biểu mô dạng nội mạc

       Ung thư biểu mô dạng nội mạc của buồng trứng rất giống ung thư biểu mô dạng nội mạc thân tử cung. Thể biệt hoá cao có các tuyến hình tròn, hình trái xoan hoặc ống nhỏ được phủ bởi một biểu mô nhiều lớp không chế chất nhầy. Có thể gặp dạng sàng hay vi nhung mao. Sự biệt hoá vẩy gặp trong 30 – 50% các trường hợp, thường dưới dạng các phôi dâu, các tế bào vảy lành tính về tế bào học). Việc phân biệt một “ung thư biểu mô nội mạc có biệt hoá vảy” với một u tuyến vảy (u tuyến gai) và ung thư biểu mô tuyến được đặt ra. Sự tụ tập của các tế bào biểu mô hình thoi là một phát hiện ngẫu nhiên trong ung thư biểu mô dạng nội mạc.

1.3.2. Ung thư biểu mô dạng nội mạc đồng thời của buồng trứng và nội mạc tử cung

       Ung thư biểu mô dạng nội mạc buồng trứng kết hợp với ung thư biểu mô nội mạc tử cung trong 15 – 20% các trường hợp. Tiên lượng rất tốt trong những trường hợp u giới hạn ở cả hai cơ quan cung cấp bằng chứng chắc chắn là các u này hầu hết là các u tiên phát độc lập phát sinh từ dải muller. ít phổ biến hơn là trường hợp một trong các ung thư biểu mô là di căn của một ung thư biểu mô khác.

1.3.3. U hỗn hợp muller ác tính

Hình ảnh mô bệnh học và các đặc điểm miễn dịch của các u hỗn hợp muller buồng trứng tương tự như các u tương ứng ở tử cung và các u xảy ra ở đâu đó trong hệ thống sinh dục.

1.3.4. U tuyến sacôm

Khoảng một nửa các trường hợp sacôm mô đệm dạng nội mạc kết hợp với lạc nội mạc tử cung hoặc một tổn thương mô đệm nội mạc hoặc của cả hai. Typ tế bào trội của sacôm mô đệm nội mạc gồm các tế bào nhỏ, hình trái xoan, đôi khi có các tế bào thoi với nhân tròn và bào tương hẹp, đôi khi là một bào tương nhạt màu rất khó nhìn thấy. Các tế bào có thể sắp xếp một cách ngẫu nhiên dưới hình thái lan toả hoặc có thể tạo thành các dải tế bào song song giống u xơ. Có thể có các vùng nghèo tế bào với hình ảnh phù rõ rệt. Có thể có các giọt mỡ trong các tế bào u, chúng thường kết hợp với các tế bào bọt. Một dấu ấn của sacôm mô đệm nội mạc là có nhiều các huyết quản thành dày nhỏ giống tiểu động mạch xoắn của nội mạc chế tiết giai đoạn muộn. Các huyết quản thường được vây quanh bởi các vòng xoắn ốc của các tế bào u. Nhuộm sợi liên võng phát hiện các sợi mảnh vây quanh các tế bào u riêng lẻ một cách điển hình. Mật độ tế bào có thể thay đổi rõ rệt trên cùng một mảnh sinh thiết. U có thể bị chia cắt từng phần bởi các băng xơ hình thành các nốt tương đối rõ. Đôi khi có các mảng thoái hoá trong. Đôi khi có các sắp xếp của các tế bào u dạng dây hay dạng đám rối giống hình thái phát triển gặp trong các u của dây sinh dục buồng trứng như các u của tế bào hạt và u vỏ. Trong các vùng này hầu như không có các sợi liên võng. Trong các trường hợp hiếm gặp, các thành phần tuyến có thể xen kẽ nhưng không bao giờ chúng là thành phần trội. ở vùng chu vi của các u có hình thái phát triển xâm nhập điển hình.

       Hầu hết các u là độ thấp trong khi khoảng 10% các trường hợp là độ cao và được xếp loại là sacôm buồng trứng kém biệt hoá. Trước đây u có dưới 10 nhân chia cho 10 vi trường phóng đại cao được xếp loại là sacôm mô đệm dạng nội mạc độ thấp trong khi u có 10 nhân chia cho 10 vi trường được xếp loại là u độ cao. Tuy nhiên không có bằng chứng là chỉ riêng tỷ lệ nhân chia làm thay đổi diễn biến bệnh và tất cả các u có hình thái giống u đệm nội mạc phải được xếp loại là sacôm mô đệm dạng nội mạc, trong khi các u không có sự biệt hoá mô đệm dạng nội mạc cần được chẩn đoán là sacôm buồng trứng không biệt hoá. Typ sacôm không biệt hoá này là một u độ cao bao gồm các tế bào trung mô đa hình thái với sự biến đổi rõ rệt về kích thước và hình dạng. Các nhân không điển hình cao với hạt nhân nổi rõ và đôi khi giống sacôm cơ vân và sacôm xơ.

1.6. U giáp biên dạng nội mạc

Ba hình thái mới được mô tả. Phổ biến nhất là bệnh u tuyến xơ. Các đảo của các tuyến dày đặc hoặc các nang được phủ bởi các tế bào biểu hiện sự không điển hình tế bào học độ 1, hiếm khi là độ 3 phát triển trong một mô đệm xơ tuyến. Thường không có xâm nhập mô đệm. Hoạt động nhân chia thường thấp. Dị sản vảy phổ biến và hoại tử có thể phát sinh trong biểu mô dị sản. Hình thái thứ hai là hình thái tuyến vi nhung mao hoặc nhú với các tế bào biểu mô phủ không điển hình tương tự như quá sản không điển hình của nội mạc tử cung nằm trong một nền u xơ. Thể thứ ba có sự kết hợp các hình thái tuyến vi nhung mao với u xơ tuyến. Bất kỳ ở vị trí nào, từ 15% đến trên một nửa số bệnh nhân có lạc nội mạc tử cung ở cùng một buồng trứng cũng như các vị trí ngoài buồng trứng.

1.3.7. U dạng nội mạc lành tính

Chẩn đoán mô học của các u tuyến dạng nội mạc và các u tuyến nang dựa trên sự hiện diện của các tuyến hoặc các nang biệt hoá cao, vẻ lành tính được phủ bởi các tế bào dạng nội mạc có hay không có biệt hoá vảy. Trong biến thể bệnh u xơ tuyến, mô đệm xơ chiếm ưu thế. Mặc dù các u xơ tuyến có thể có mô đệm nội mạc quanh tuyến tối thiểu, các trường hợp trong đó mô đệm nội mạc có mặt khắp tổn thương được xếp loại như lạc nội mạc. Tổn thương sau này có thể có tất cả các hình thái của quá sản nội mạc bao gồm các quá sản có không điển hình.

1.4. Các u tế bào sáng

 Các u tế bào sáng có thể là thành phần biểu mô chiếm ưu thế hoặc cũng có thể chứa thành phần xơ chiếm ưu thế. Biểu mô có thể bào gồm một hay nhiều typ tế bào. Các tế bào phổ biến nhất là các tế bào sáng và các tế bào đinh đầu to. Các tế bào khác có thể bao gồm các tế bào hình khối vuông, dẹt, ưa toan hoặc hiếm hơn là các tế bào nhẫn. Hầu hết các u tế bào sáng là ung thư biểu mô và có thể có nền u xơ tuyến. Các u tế bào sáng lành tính và giáp biên hiếm gặp và hầu hết là u xơ tuyến.

Mã ICD – O

            Ung thư biểu mô tuyến tế bào sáng                                8310/3

            U xơ - ung thư biểu mô tế bào sáng                                8313/3

            U tế bào sáng ác tính giáp biên                            8310/1

            U xơ tuyến tế bào sáng ác tính giáp biên                       8313/1

            U tuyến nang tế bào sáng                                     8310/0

            U xơ tuyến nang tế bào sáng                                            8313/0

1.4. 1. Ung thư biểu mô tuyến tế bào sáng

Các ung thư biểu mô tế bào sáng có các hình thái ống nhỏ nang, nhú và đặc, có thể đơn thuần hay hỗn hợp. Các hình thái phổ biến nhất là nhú,  nang và ống nhỏ. Hiếm hơn các u có thể có hình thái lưới giống như hình thái của u túi noãn hoàng. Các dải tế bào đa diện với bào tương rộng được phân cách bởi mô xơ huyết quản mảnh hoặc kính hoá là đặc trưng của hình thái đặc. Hình thái ống nhỏ – nang có đặc điểm là có các ống nhỏ kích thước khác nhau và các u nang được phủ bởi biểu mô hình khối vuông hoặc dẹt và đôi khi có hình ảnh đinh đầu to. Hình thái nhú có đặc điểm là các nhú dày hoặc mỏng có chứa mô xơ hoặc nhiều chất kính. Các typ tế bào phổ biến nhất là các tế bào sáng và các tế bào đinh đầu to. Các tế bào sáng có xu hướng xếp thành các ổ hoặc các khối đặc hoặc phủ các nang, các ống nhỏ và nhú trong khi các tế bào đinh đầu to phủ các nang, ống nhỏ và các cấu trúc nhú. Các tế bào sáng có xu hướng tròn đến đa diện với nhân lệch tâm, thường chứa các hạt nhân nổi rõ. Các tế bào đinh đầu to có bào tương nghèo nàn và nhân tăng sắc hình cầu lồi vào trong lòng các ống nhỏ. Cũng có các tế bào dẹt hoặc hình khối vuông. Đôi khi có các tế bào ưa toan với bào tương rộng, trong một số trừng hợp chúng chiếm phần lớn khối u. Các tế bào hình nhẫn có chứa chất nhầy đặc ở trung tâm của một hốc tạo nên cái gọi là tế bào bia. Các tế bào sáng chứa nhiều glycogen và cũng có thể chứa lipid. Chất nhầy có thể được tìm thấy điển hình trong lòng các ống nhỏ, các nang và nhiều trong bào tương của tế bào nhẫn.

1.4.2. U xơ tuyến tế bào sáng giáp biên

 Các u xơ tuyến tế bào sáng giáp biên bao gồm các u trong đó biểu mô không điển hình hoặc có ung thư biểu mô không có xâm nhập. Các u xơ tuyến trong đó các tuyến được phủ bởi biểu mô ác tính tốt nhất nên được xếp vào loại “các u xơ tuyến tế bào sáng giáp biên với ung thư biểu mô nội biểu mô”. Chúng giống như các u xơ tuyến giáp biên, tuy nhiên sự không điển hình của nhân tế bào thường rõ rệt hơn với các chất nhiễm sắc vụn, thô, hạt nhân nổi rõ và tăng hoạt động nhân chia. Đôi khi các ổ nhỏ xâm nhập có thể được xác định và các u này được gọi là vi xâm nhập. Biểu mô thường biểu hiện lát tầng và nẩy chồi, mặc dù cấu trúc nhú không phổ biến. Khi có những khối đặc nhỏ của các tế bào sáng trong mô đệm, cần xác định xem u có xâm nhập hay không.

1.5. Các u tế bào chuyển tiếp

Nhóm u này bao gồm các loại sau:

(1)   Các u Brenner lành tính được phân biệt bởi thành phần mô đệm chiếm ưu thế kèm theo các tế bào chuyển tiếp.

(2)   Các u Brenner giáp biên và ác tính trong đó thành phần u Brenner lành tính kết hợp với một biểu mô tăng sinh mạnh, không điển hình ở mức độ khác nhau nhưng không xâm nhập trong loại giáp biên và xâm nhập mô đệm rõ rệt trong loại ác tính.

(3)   Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp trong đó u tế bào chuyển tiếp ác tính không kết hợp với thành phần lành tính hay giáp biên.

Mã ICD – O

Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (không Brenner)            8120/3

U Brenner ác tính                                                                9000/3

U Brenner giáp biên                                                                        9000/1

U Brenner                                                                             9000/0

1.5.1. Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp

Các ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp giống các u xảy ra ở đường tiết niệu và không có thành phần u Brenner lành tính hay giáp biên. Trong trường hợp điển hình chúng là biểu mô chuyển tiếp hình nhú với nhiều lớp tế bào phủ và đường viền nhú nhẵn (“typ nhú”). Các hình thái ổ có đặc điểm là các ổ tế bào chuyển tiếp ác tính được phân bố đều đặn trong một mô đệm xơ (“typ giống u Brenner ác tính”). Cũng giống như trong ung thư biểu mô niệu quản, có thể thấy các ổ biệt hoá tuyến hoặc vảy. Rất phổ biến là các ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp kết hợp với các typ biểu mô khác, nhất là ung thư biểu mô tuyến thanh dịch.

1.5.2. U Brenner ác tính

Trong các u Brenner ác tính có xâm nhập mô đệm kết hợp với một thành phần của u Brenner lành tính hay giáp biên. Thành phần xâm nhập thường là một ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp độ cao hoặc ung thư biểu mô vảy, mặc dù một số u bao gồm các các đảo dày đặc, không đều của các tế bào chuyển tiếp ác tính độ thấp một cách ngẫu nhiên. Các thành phần tuyến có thể hỗn hợp, nhưng các ung thư biểu mô nhầy hoặc thanh mạc kết hợp với thành phần u Brenner ác tính cần được chẩn đoán là một u Brenner ác tính. Các ổ vôi hoá đôi khi chiếm ưu thế.

1.5.3. U Brenner giáp biên

Các u Brenner giáp biên có độ phức tạp về cấu trúc lớn hơn các u Brenner lành tính được định typ bằng các nhú xơ mạch chia nhánh, được phủ bởi biểu mô chuyển tiếp thường phát triển lồi vào trong lòng các khoang nang. Biểu mô chuyển tiếp biểu hiện cùng một giới hạn của các đặc điểm cấu trúc và tế bào học gặp trong các tổn thương của biểu mô đường tiết niệu. Theo định nghĩa u có xâm nhập mô đệm. Thành phần của u Brenner hiện diện một cách điển hình nhưng cũng có thể nhỏ và dễ dàng bị bỏ qua. Tỷ lệ nhân chia thay đổi lớn và hoại tử là phổ biến. Dị sản nhầy có thể là hình ảnh nổi bật.

Các tiêu chuẩn chẩn đoán và thuật ngữ được áp dụng cho nhóm trung gian của các u tế bào chuyển tiếp đôi khi mâu thuẫn. Một số tác giả đề nghị xếp loại các u với hình ảnh độ thấp như là các tổn thương “tăng sinh” hơn là giáp biên, một số tác giả lại cho rằng các u này giống ung thư biểu mô chuyển tiếp độ 2 hoặc 3 của đường tiết niệu như các u giáp biên có ung thư biểu mô nội biểu mô.

1.5.4. U Brenner lành tính

Các u Brenner lành tính có đặc điểm là các ổ hoặc các đảo tế bào chuyển tiếp với các nhân "hạt cà phê" có rãnh ở trung tâm, bào tương rộng, ưa cả hai màu tới sáng và màng nhân có rãnh rõ rệt, nằm trong một mô đệm u xơ chiếm ưu thế. Các ổ có thể đặc hoặc có lòng ở trung tâm chứa một vật liệu ưa toan đặc, dương tính với nhuộm mucin,. Lòng tuyến có thể được lót bởi loại tế bào chuyển tiếp hoặc nhầy, có tiêu mao hoặc các tế bào trụ (nondescript). Các nang kích thước thay đổi được phủ bởi biểu mô nhầy, hoặc đơn thuần hoặc nằm trong một biểu mô chuyển tiếp là phổ biến. Các u Brenner lành tính với nhiều ổ tế bào chuyển tiếp và các nang có thành phần nhầy chiếm ưu thế, đôi khi có hình thành các tuyến phức tạp được gọi là "u Brenner dị sản. Việc nhận biết các u này tránh được nhầm lẫn với các u Brenner giáp biên ác tính. 

1.6. Các tổn thương tế bào vảy

1.6.1. Ung thư biểu mô tế bào vảy

Những ung thư biểu mô tế bào vảy thường là độ cao và có nhiều hình thái bao gồm hình thái nhú hoặc dạng polyp, nang, đảo, xâm nhập lan toả, dạng mụn cơm hoặc dạng sacôm. Chúng cần được phân biệt với ung thư biểu mô tuyến dạng nội mạc, với biệt hoá vảy lan rộng và với ung thư biểu mô tế bào vảy di căn từ tử cung và các vị trí khác.

1.6.2. U nang bì

Các u nang bì được phủ bởi biểu mô vảy sừng hoá lành tính không có thành phần phụ thuộc của da và không có thành phần u quái hiếm gặp ở buồng trứng. Tất cả các u đều nhỏ (2-46 mm) và là một bên.

1.7. Các u biểu mô hỗn hợp

Mã ICD-O

U biểu mô hỗn hợp ác tính                                   8323/3

U biểu mô hỗn hợp giáp biên                               8323/1

U biểu mô hỗn hợp lành tính                               8323/0

Trong các u tuyến nang hỗn hợp thường gặp nhất là biểu mô thanh dịch (có tiêu mao) và nhầy. Biểu mô nhầy có thể chứa nhiều chất nhầy nội bào, không phải là chất nhầy ở đỉnh và lòng tuyến. Các u giáp biên biểu mô hỗn hợp có các nhú với các cụm tế bào bong giống u giáp biên thanh mạc nhưng chúng thường chứa hỗn hợp các tế bào nhầy giống cổ trong tử cung, biểu mô dạng nội mạc với các ổ biệt hoá tế bào vảy và biểu mô ưa toan không biệt hoá. Xâm nhập viêm cấp thường gặp. Vi xâm nhập u có thể hiếm gặp. Các u Brenner hỗn hợp thường bao gồm thành phần Brenner giáp biên, thành phần nhầy có thể lành tính, giáp biên hoặc ác tính. Trong một số trường hợp hiếm gặp các u có thể chứa rất nhiều các nang nhỏ được lót bởi một hỗn hợp biểu mô nhầy và chuyển tiếp và thuật ngữ u Brenner dị sản được áp dụng. Với các ung thư biểu mô tuyến nang, sự kết hợp thường gặp là thanh mạc và dạng nội mạc, thanh mạc và ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp và dạng nội mạc và tế bào sáng.

1.8. Ung thư biểu mô không biệt hoá

Ung thư biểu mô không biệt hoá gồm các ổ đặc tế bào u với nhiều hình nhân chia và sự bất thường về tế bào học có ý nghĩa. Có thể có những vùng với thành phần tế bào thoi, các hình thái vi nang và xâm nhập huyết quản thành ổ. ít khi thấy một ung thư biểu mô không biệt hoá có một thành phần bất kỳ nào khác của ung thư biểu mô muller. Thường có các ung thư biểu mô thanh dịch độ cao. Cũng có thể gặp các ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp.

1.9. Ung thư biểu mô tuyến không xếp loại

Các u thuộc loại này có thể bao gồm các u biệt hoá cao hoặc vừa với hình ảnh trùng lắp như  u nhầy với tiêu mao hoặc có thể bao gồm một u kém biệt hoá hơn, không có hình ảnh rõ rệt của một trong các typ muller của ung thư biểu mô tuyến.

2. U mô đệm - dây sinh dục

       Các u mô đệm dây sinh dục là các u buồng trứng bao gồm các tế bào hạt, tế bào vỏ, tế bào Sertoli, tế bào Leydig và các nguyên bào xơ nguồn gốc mô đệm, riêng lẻ hay kết hợp với nhau

2.1 Các u tế bào hạt

Mã ICD-O

       U tế bào hạt người trưởng thành                              8620/1

       U tế bào hạt thiếu niên                                                8622/1

2.1.1. U tế bào hạt ở người trưởng thành

U tế bào hạt ở người trưởng thành có sự tăng sinh của các tế bào hạt, thường với thành phần nguyên bào xơ của mô đệm, các tế bào vỏ và hoàng thể. Các tế bào hạt có bào tương nghèo nàn, nhân hình tròn tới hình trứng với một rãnh chạy theo chiều dọc. Hoạt động nhân chia hiếm khi vượt quá 1 - 2 cho 10 vi trường phóng đại cao. Khi hoàng thể hoá, các tế bào u có bào tương rộng ưa toan hoặc có hốc, nhân trở nên tròn và mất các rãnh dọc đặc trưng của chúng. Các nhân kỳ quái hiếm gặp và không có hậu quả đảo ngược về tiên lượng. Các tế bào u phát triển dưới nhiều dạng, hình thái được biết rõ nhất là hình thái vi nang có đặc điểm là sự có mặt của các thể Call - Exner. Các hình thái khác bao gồm các nang to có đặc điểm là một khoảng rộng được lót bởi các tế bào u, hình thái đảo, bè, lan rộng và hình chuỗi dạng "tơ ướt". Mô đệm có vỏ xơ thường vây quanh các tế bào hạt.

2.1.2. U tế bào hạt thanh thiếu niên

U tế bào hạt thanh thiếu niên có đặc điểm là sự phát triển dạng cục và lan toả xen kẽ có các vi nang kích thước và hình dạng khác nhau. Lòng các nang chứa dịch ưa toan hay ưa kiềm. Mô đệm xơ hoá với sự hoàng thể hoá và/hoặc phù thường rõ ràng. Các tế bào hạt tân sản tròn một cách điển hình, có bào tương rộng ưa toan và/hoặc có hốc và gần như tất cả các nhân không có rãnh nhân. Hình ảnh nhân chia thường nhiều. Đôi khi có những tế bào khổng lồ với nhân to, nhiều nhân và nhân nhiều thuỳ kỳ quái .

2.2. Nhóm u xơ - vỏ

Mã ICD-O

       U vỏ                                                         8600/0

       U vỏ hoàng thể hoá                             8601/0

       U xơ loại không đặc hiệu                                8810/0

       U xơ tế bào                                            8810/1

       Sacôm xơ                                                           8810/3

       U mô đệm với thành phần dây                      8593/1

                           sinh dục tối thiểu

       U mô đệm xơ cứng                              8602/0

2.2.1. U vỏ

Các u vỏ điển hình có đặc điểm là các nhân đồng đều, lành tính, với bào tương rộng, nhạt màu, có hốc, giàu lipid. Các tế bào riêng lẻ bị bao bọc bởi sợi liên võng. Trong một số trường hợp hiếm, các nhân có thể lớn và đa dạng. Thành phần u xơ thường chứa các mảng chất trong và có thể vôi hoá. Các u vỏ vôi hoá lan rộng có xu hướng xảy ra ở phụ nữ trẻ. Trường hợp hiếm gặp, các u vỏ bao gồm thành phần tối thiểu của các tế bào dây sinh dục. Các u vỏ hoàng thể hoá có chứa các tế bào hoàng thể, đứng riêng lẻ hay tạo thành một ổ trên một nền thường có nhiều thành phần u xơ hơn là u vỏ. Phù và sự hình thành vi nang có thể rõ.

2.2.2. U xơ và u xơ tế bào

Các u xơ bao gồm các tế bào hình thoi, nhân lành tính và bào tương nghèo nàn, có thể chứa một lượng nhỏ lipid và đôi khi có các giọt ưa toan. Các tế bào xếp thành bó hoặc hình xoáy lốc. Các nhân chia không có hoặc hiếm gặp. Các u xơ thường nghèo tế bào hoặc số lượng tế bào ở mức trung bình với nhiều sợi colagen giữa các tế bào, các mảng trong hoá và phù ở các mức độ khác nhau. Mật độ tế bào có thể thay đổi từ vùng này đến vùng khác. Khoảng 10% các u có mật độ tế bào đồng đều và dày đặc đạt tới mật độ tế bào của một u tế bào hạt lan toả và được xếp vào loại u xơ tế bào. Các u xơ tế bào bộc lộ không điển hình tế bào nhẹ và trung bình có 3 hoặc ít hơn các nhân chia cho 10 vi trường phóng đại cao.

2.2.3. Sacôm xơ

Sacôm xơ là các u tế bào thoi, có mật độ dày đặc với sự không điển hình của tế bào từ vừa đến nặng, tỷ lệ nhân chia cao (trung bình 4 hoặc nhiều hơn các nhân chia cho 10 vi trường phóng đại cao 400 lần), với hình ảnh nhân chia không điển hình, chảy máu và hoại tử.

2.2,4. U mô đệm với thành phần dây sinh dục tối thiểu

Xét nghiệm mô học đã chứng minh hình ảnh không điển hình của u vỏ và u xơ trong đó thành phần dây sinh dục pha trộn với với các tế bào của u xơ vỏ. Các thành phần dây sinh dục thay đổi giữa các tế bào hạt biệt hoá đầy đủ và các cấu trúc ống không biệt hoá giống các tế bào Sertoli không thuần thục.

2.2.5. U mô đệm xơ hoá

Xét nghiệm mô học cho thấy các hình thái điển hình với các hình ảnh giả thuỳ của các vùng tế bào được phân tách bởi các vùng nghèo tế bào của một mô đệm dày đặc sợi colagen và phù. Các vùng tế bào chứa các huyết quản thành mỏng chiếm ưu thế với các mức độ khác nhau của xơ hoá hỗn hợp có cả các tế bào hình thoi và tròn, các tế bào tròn có thể giống các tế bào vỏ hoàng thể hoá hoặc có các hốc sáng quanh nhân.

2.2.6. U mô đệm tế bào nhẫn

Xét nghiệm mô học cho thấy sự tăng sinh lan toả của các tế bào thoi và tròn, các tế bào tròn có nhân lệch tâm với một hốc bào tương lớn duy nhất và giống các tế bào nhẫn. U có thể bao gồm toàn bộ các tế bào nhẫn hoặc có thể xảy ra như thành phần của một u xơ điển hình. Với ngoại lệ của một trường hợp, không có sự không điển hình của nhân và hoạt động nhân chia. Nhuộm âm tính với mucin giúp phân biệt u này với u Krukenberg. Tất cả các trường hợp báo cáo là lành tính.

2.3. Các u tế bào mô đệm - Sertoli

Mã ICD-O

Nhóm u tế bào Sertoli - Leydig

            Biệt hoá cao                                      8631/0

            Biệt hoá trung gian                          8631/1

               Có các thành phần dị loại                       8634/1

            Biệt hoá kém                                                8631/3

                Có các thành phần dị loại                      8634/3

            Dạng lưới                                          8633/1

                Với các thành phần dị loại                    8634/1

U tế bào Sertoli (loại không đặc biệt)                   8640/1

2.3.1. Nhóm u tế bào Sertoli - Leydig

       Trong các u tế bào Sertoli - Leydig biệt hoá cao, các tế bào Sertoli có  trong các ống nhỏ mở hoặc đóng kín và không có sự không điển hình của nhân có ý nghĩa hoặc hoạt động nhân chia. Có thể tìm thấy các tế bào Leydig tụ tập thành các cụm nhỏ trong một mô đệm xơ mảnh.

       Trong các u biệt hoá trung gian, các tiểu thuỳ tế bào bao gồm các tế bào mô đệm sinh dục hình thoi, bắt màu đậm với bào tương giới hạn không rõ được phân tách bởi một mô đệm phù. Các cấu trúc này hoà trộn với các dây và các ống nhỏ kém biệt hoá của các tế bào Sertoli, một số tế bào có hình ảnh không điển hình. Khi có sự biệt hoá rõ hơn của các tế bào Sertoli, việc phân biệt giữa các thành phần mô đệm và tế bào Sertoli trở nên dễ dàng hơn. Các tế bào Leydig được tìm thấy tụ tập thành các cụm nhỏ ở chu vi của các tiểu thuỳ tế bào hoặc hoà trộn với các thành phần khác. Chúng có thể bị hốc hoá, chứa lipofuscin hoặc hiếm hơn có các tinh thể Reinke. Các hình ảnh nhân chia trung bình là 5 cho 10 vi trường phóng đại cao. Các hình ảnh nhân chia hiếm gặp trong các tế bào Leydig, chúng cũng không có hình ảnh không điển hình về tế bào học.

       Trong các u kém biệt hoá, một mô đệm dạng sacôm giống mô đệm tuyến sinh dục nguyên thuỷ là hình ảnh chiếm ưu thế và không có cách sắp xếp tiểu thuỳ của u tế bào Sertoli - Leydig biệt hoá trung gian. Đôi khi cũng gặp các u có chứa các nhân kỳ quái. Hoạt động nhân chia trong các tế bào Sertoli và tế bào của mô đệm thay đổi với tỷ lệ trung bình là trên 20 cho 10 vi trường phóng đại cao.

2.3.2. U tế bào Sertoli - Leydig với các thành phần dị loại

Các thành phần dị loại gặp trong khoảng 20% các u tế bào Sertoli - Leydig. Chúng chỉ được tìm thấy trong các u biệt hoá trung gian hoặc biệt hoá kém, hoặc trong typ lưới nhưng không có trong các u biệt hoá cao. Các thành phần trung mô dị loại gặp trong 5% các u tế bào Sertoli - Leydig và thường bao gồm sụn, cơ xương và sacôm cơ vân. Chúng có thể kết hợp với các vùng dây sinh dục của u hoặc biểu hiện như các vùng kín đáo. Cả sụn và cơ xương có thể là loại tế bào hoặc typ phôi.

       Biểu mô nhầy thường là biểu mô typ ruột hoặc dạ dày, nhưng đôi khi có chuyển dạng giáp biên hoặc ác tính. Có thể có các tế bào ưa bạc, tế bào hình cốc và carcinoid.

       Mô đệm tuyến sinh dục có thể tụ tập xung quanh các vùng biểu mô nhầy, một yếu tố quyết định để chẩn đoán u tế bào Sertoli - Leydig trong một u biểu hiện u tuyến nhầy. Sự biệt hoá tế bào gan có thể được nhận biết nhờ các kết thể mật hoặc cách sắp xếp dạng nang của các tế bào gan, nhưng hoá mô miễn dịch cần thiết để phân biệt tế bào gan với các tế bào Sertoli - Leydig.

2.3.3. U tế bào Sertoli - Leydig dạng lưới và biến thể có thành phần lưới

Giống như các thành phần dị loại, các vùng dạng lưới chỉ gặp ở các u Sertoli - Leydig biệt hoá trung gian và kém. Chúng thay đổi từ các khoảng trống giống các khe tới các vùng có hình thái vi nhú phức tạp. Các khoang giãn rộng có thể giống các vùng dây sinh dục của u. Các tế bào lót nang có thể dẹt và không đặc hiệu hoặc hình khối vuông và dạng Sertoli. Lòng khoang thường chứa một vật liệu ưa toan giống chất dạng keo. Trong loại u tế bào Sertoli - Leydig, các u dạng lưới có thành phần dị loại.

2.3.4. U tế bào Sertoli

Nhiều cách sắp xếp ống nhỏ là đặc trưng của các u của các tế bào Sertoli. Hình thái ống nhỏ hoặc đóng kín với cách sắp xếp tế bào ghép cặp,  đơn giản hoặc phức tạp. Các ống nhỏ đơn được vây quanh bởi một màng đáy và có thể chứa thể trong ở trung tâm. Các ống nhỏ phức hợp tạo thành nhiều lòng ống thường chứa đầy các thể trong được vây quanh bởi một màng đáy dày có thể tụ tập với nhau tạo thành các vùng trong hoá. Hình thái lan toả và giả nhú có thể gặp. Trong một số u, các tế bào bị nở to do lipid nội bào tương chiếm ưu thế trong một hình thái được gọi là "u nang lipid-nang" (folliculome lipidocystic).

       Các u tế bào Sertoli xảy ra ở phụ nữ với hội chứng Peutz-Jeghers có bào tương rộng ưa toan, được gọi là biến thể ưa toan. Các nhân điển hình có hình trái xoan hay hình cầu với hạt nhân nhỏ, nhuộm lipid dương tính và glycogen cũng có thể dương tính. Các hình ảnh nhân chia thường ít (<1 cho 10 vi trường phóng đại cao), nhưng >9 hình nhân chia cho 10 vi trường phóng đại cao có thể gặp trong các u ở những phụ nữ trẻ hơn. Các u có thể chứa các tế bào Leydig, nhưng không có mô đệm tuyến sinh dục nguyên thuỷ là đặc trưng của các u tế bào Sertoli - Leydig.

2.3.5. U tế bào Leydig mô đệm

Các u tế bào Leydig – mô đệm có hai thành phần. Các tế bào hình thoi hoặc hình trứng giống các tế bào của u xơ hoặc u vỏ hiện diện cùng với các tế bào Leydig chứa các tinh thể Reinke. Trường hợp điển hình, trong các u này thành phần u xơ u vỏ chiếm ưu thế với thành phần tế bào Leydig bao gồm các tụ tập thành nốt nhỏ.

       Chẩn đoán quyết định đòi hỏi sự có mặt của các tinh thể Reinke, ngoài ra các u có thể được xếp loại như u vỏ hoàng thể hoá. Vì các tinh thể Reinke có thể khó xác định và vì sai sót trong lấy mẫu có thể xảy ra, đã có gợi ý là các u tế bào Leydig- mô đệm phổ biến hơn là những số liệu đã dẫn trên y văn.

2.3.6. Các u mô đệm – dày sinh dục typ hỗn hợp hoặc không xếp loại

Code  ICD – O

Các u dây sinh dục với ống nhỏ hình vòng          8623 / 1

Biến thể kết hợp với hội chứng Peutz – Jeghers  8623 / 0

U nguyên bào lưỡng tính                                     8632 / 1

U mô đệm dây sinh dục, loại không đặc biệt      8590 / 1

2.3.6.1. U mô đệm dây sinh dục với các ống nhỏ hình vòng

Không phụ thuộc vào biểu hiện lâm sàng, các ống nhỏ hình vòng tròn có thể có các tế bào Sertoli với bào tương nhạt màu và các nhân được sắp xếp theo hướng xuyên tâm xung quanh một thể trong duy nhất (các ống nhỏ hình vòng đơn) hoặc nhiều thể trong (các ống nhỏ hình vòng phức hợp). Có thể có kết hợp với cách sắp xếp của các tế bào Sertoli ống nhỏ kinh điển. Trong các tổn thương của hội chứng Peutz-Jeghers, các ống nhỏ hình vòng tròn nằm rải rác một cách điển hình trong mô đệm buồng trứng không hình thành một khối riêng biệt. Các u kết hợp với hội chứng Peutz-Jeghers tạo thành các khối của các ống nhỏ đơn giản được phân tách bởi một mô đệm xơ. Có thể phát sinh kính hoá lan rộng. Các tế bào u có thể vượt qua giới hạn của các ống nhỏ và xâm nhập mô đệm xung quanh. Các hình ảnh nhân chia  đôi khi vượt quá 4 nhân chia cho 10 vi trường phóng đại cao và hiếm khi vượt qua 10 nhân chia cho 10 vi trường phóng đại cao. Các vùng u tế bào Sertoli biệt hoá cao có đặc điểm là các ống nhỏ đặc kéo dài và hoặc u tế bào hạt u nang thường có mặt. Vôi hoá của các thể trong được tìm thấy điển hình ở trên một nửa các u kết hợp với hội chứng Peutz-Jeghers.

2.3.6.2. U nguyên bào lưỡng tính

Các ống nhỏ có lòng rõ được biết bởi các tế bào Sertoli thường kết hợp với các đảo hình tròn của các tế bào hạt phát triển dưới hình thái vi nang. Biến thể từ hình thái điển hình này thành hình thái u tế bào hạt của thiếu niên hoặc một u tế bào Sertoli- Leydig có hoặc không có các thành phần dị loại đã được báo cáo.

2.3.6.3. U tế bào dây sinh dục không xếp loại

Các tế bào u có các hình thái và loại tế bào là trung gian giữa các u tế bào hạt mô đệm và các u tế bào Sertoli- mô đệm.

2.4. Các u tế bào steroid

       Các u tế bào steroid là các u bao gồm toàn bộ hoặc chiếm ưu thế (trên 90%) các tế bào giống các tế bào chế tiết hormon steroid. Loại này bao gồm u thể vàng mô đệm, u tế bào steroid, không được phân loại tiếp và các u tế bào Leydig không có thành phần khác.

  ICD – O

Các u tế bào steroid, không đặc biệt                8670 / 0

       Biệt hoá cao                                              8670 / 0

       ác tính                                                       8670 / 3

U hoàng thể mô đệm (stromal luteoma)          8610 / 0

U tế bào Leydig                                               8650 / 0

2.4.1. U tế bào steroid, không đặc biệt

Các u này thường bao gồm những đám đặc tế bào, đôi khi thành các ổ hoặc các bè. Các tế bào u thường đa diện với bào tương dạng hạt hoặc ủa toan nhưng cũng có thể có hốc. Đôi khi cả hai loại tế bào đều có mặt. Sắc tố lipofuscin của bào tương có thể được xác định. Các nhân có thể lành tính, nhưng trong một số trường hợp có sự không điển hình rõ rệt của nhân và một số lượng có ý nghĩa các hình nhân chia. Có thể có các vùng chảy máu và hoại tử. Lipid nội bào tương thường có thể được xác định bằng nhuộm đặc biệt và hiếm khi có thể nhiều để tạo nên hình nhẫn. Đôi khi các u có thể chứa một lượng lớn mô đệm xơ.

2.4.2. U hoàng thể mô đệm

Các u này có giới hạn rõ, khu trú trong mô đệm buồng trứng và là những nhân u chứa các tế bào mô đệm hoàng thể hoá, sắp xếp một cách lan toả hoặc ít phổ biến hơn thành các ổ hoặc các dây. Bào tương thường nhạt màu hoặc ưa toan, nhân lành tính và hiếm các hình nhân chia. Hầu hết các trường hợp kết hợp với quá sản vỏ của mô đệm trong buồng trứng cùng bên và / hoặc đối bên. Trong các trường hợp này, khi nhân của các tế bào hoàng thể hoá trong quá sản vỏ của mô đệm được coi là u hoàng thể mô đệm, nhưng nói chung điểm giới hạn 1,0cm được áp dụng. Các biến đổi thái hoá có thể xảy ra trong các u hoàng thể mô đệm gây hình thành các khoảng có thể giống các huyết quản hoặc các tuyến. Không có những tinh thể Reinke.

2.4.3. Các u tế bào Leydig

       Các u tế bào Leydig là các u tế bào steroid của buồng trứng hiếm gặp bao gồm toàn bộ hoặc chủ yếu là các tế bào Leydig chứa các tinh thể Reinke. Trong trường hợp các u lớn hơn có thể không xác định được u phát sinh trong nhu mô buồng trứng hay ở rốn buồng trứng và các u này được xếp loại là u tế bào Leydig không đặc biệt. Các u khác trong nhóm bao này gồm u tế bào rốn buồng trứng và u tế bào Leydig không phải typ rốn buồng trứng.

2.4.4. U tế bào rốn buồng trứng

Đây là u tế bào Leydig phát sinh ở vùng rốn buồng trứng, được phân tách với mô đệm tủy. Tổn thương có giới hạn rõ và bao gồm các tế bào với bào tương rộng thường ưa toan nhưng nó có thể sáng với nhiều lipid trong bào tương. Sắc tố lipofuscin thường gặp và các tinh thể Reinke đặc hiệu có trong 57% các trường hợp trong một công trình nghiên cứu lớn nhất. Chúng là những thể vùi hình gậy ưa toan. Đôi khi chúng thường nhiều, nhưng chúng thường chỉ được xác định sau khi tìm kiếm kỹ. Nhuộm mô học PTHA (acid phosphotungstic) hoặc hiển vi điện tử có thể tạo thuận lợi cho việc xác định chúng. Thường các nhân trong các u tế bào Leydig tụ tập trong các vùng nhiều nhân được phân tách bởi các vùng không có. Các hình ảnh của nhân thường lành tính, nhưng đôi khi có thể thấy các ổ nhân không điển hình, một hình ảnh không có ý nghĩa lâm sàng. Hình ảnh nhân chia hiếm gặp. Thường có một nền của các tế bào vùng rốn không phải u kế cận kết hợp với các sợi thần kinh không myelin.

       Mặc dù chẩn đoán xác định một u tế bào vùng rốn đòi hỏi phải xác định được các tinh thể Reinke, một chẩn đoán có thể được thực hiện không có các tinh thể nếu các hình ảnh mô học điển hình có trong các u khư trú ở vùng rốn, đặc biệt nếu nó kết hợp với quá sản tế bào rốn hoặc các sợi thần kinh.

2.4.5. U tế bào Leydig không phải typ vùng rốn

U bao gồm các tế bào steroid không có lipid có thể nhận biết được và được vây quanh bởi một mô đệm buồng trứng thường có tăng sinh tế bào vỏ của mô đệm. Các tế bào Leydig chứa các tinh thể Reinke phải được xác định trên mô học để chẩn đoán và sắc tố lipofuscin thường có mặt.

3. Các u tế bào mầm

       Các u tế bào mầm là  một nhóm dị loại của các u phản ánh khả năng nhiều dòng biệt hoá của hệ thống tế bào mầ chính. Phần lớn các u này bắt nhuồn từ các giai đoạn khác nhau của sự phát triển từ các tế bào mầm tạo nên buồng trứng.

Về hình thái học, các typ u khác nhau gặp trong nhóm này sao chép lại một hình thể kỳ quái, biến dạng các giai đoạn khác nhau của phát triển phôi từ các cấu trúc sớm, chuyển tiếp tới một mô của người trưởng thành và chính chúng cũng có khả năng chuyển dạng ác tính.

3.1. Các u tế bào mầm nguyên thuỷ

Mã ICD – O

       U loạn phát tế bào mầm                   9060/3

       U túi noãn hoàng                              9071/3

       Ung thư biểu mô phôi                      9070/3

       Đa u phôi (polyembryoma)              9072/3

       Ung thư biểu mô rau không có thai  9100/3

       U tế bào mầm hỗn hợp                     9085/3

3.1.1. U loạn phát tế bào mầm

Các tế bào mầm tăng sinh có hình ảnh đơn điệu với hình đa diện, bào tương rộng nhạt màu và nhân khá đồng đều. Chúng tụ tập thành dây hay thành đám, mặc dù đôi khi không có sự dính giữa các tế bào có  điển hình  thay các khoang giả tuyến. Mặc dù mô đệm có thể giảm đến mức hình thành các dải quanh huyết quản mỏng, nó có thể nhiều. Nó thường chứa các lượng thay đổi của xâm nhập viêm mạn tính, chủ yếu bao gồm các lympho bào T và các đại thực bào. Thực ra các u hạt tế bào bán liên là hình ảnh nổi bật trong một phần tư các trường hợp. Viêm cũng có thể có mặt trong các di căn. Tỷ lệ nhân chia thay đổi và một số u có sự không đồng đều của nhân. Sự biệt hoá dưới thể các tế bào của hợp bào nuôi được tìm thấy trong 5% các trường hợp. Trong các trường hợp này các hợp bào nuôi chế tiết õhCG có nguồn gốc trực tiếp từ các tế bào u loạn phát tế bào mầm không có các tế bào nuôi xen kẽ.

3.1.2. U túi noãn hoàng

Mặc dù sự không đồng nhất về mô học rõ rệt do nhiều hình thái biệt hoá tồn tại đồng thời trong cùng một u có thể xảy ra, các vùng đặc trưng luôn luôn không thay đổi bao giờ cũng có cho phép chẩn đoán chính xác.

       Hình thái lưới đặc trưng được hình thành bởi một mô đệm dạng nhầy, kiềm tính, thưa thớt chứa một mạng lưới các khoang vi nang sắp xếp phức tạp, được lót bởi các tế bào biểu mô sáng hoặc dẹt có mức độ không điển hình thay đổi và các hình cầu nhỏ, trong, dương tính với PAS- kháng diastase trong bòa tương cho phép xác định u. Những khối lượng không đều nhưng hằng định của một vật liệu màng đáy trong vô hình được tìm thấy liên quan với các tế bào biểu mô. Cả các hình cầu trong và các kết tụ thô của vật liệu màng đáy là chỉ điểm mô học tốt để nhận dạng u. ít phổ biến hơn trong 13- 20% các trường hợp, các hình nhú có lõi xơ huyết quản được phủ bởi biểu mô (các thể Schiller- Duval) được tìm thấy giống cấu trúc của rau thai màng đệm noãn hoàng (chorio- vitelline) của chuột, một đặc điểm cho phép xác định đặc điểm nhận dạng u quái nội bì của các u này.

3.1.3. Ung thư biểu mô phôi và đa u phôi

Ung thư biểu mô phôi biểu hiện là các dải sắp xếp lộn xộn của các tế bào nguyên thuỷ lớn AFP- và CD30- dương tính, tạo thành các nhú hoặc các khe tồn tại đồng thời với các hợp bào nuôi õ-hCG dương tính cũng như biệt hoá u quái sớm như biểu mô vảy, trụ, nhầy hoặc có tiêu mao. Biến thể ít gặp hơn dạng cơ quan của u được gọi là đa u phôi gây nên do tổ chức cấu trúc thành các dạng giống nguyên bào giống phôi tiền tế bào thân. Cái gọi là các thể dạng phôi cho thấy các đĩa phôi cùng với các khoang ối và túi noãn hoàng tương ứng và được vây quanh bởi một mô liên kết lỏng lẻo giống nguyên bào trung mô. Các mô xung quanh có thể biệt hoá thành các cấu trúc nội bì như ruột và gan  và nguyên bào nuôi. Tuy nhiên khi giống với cấu trúc sớm bình thường, chuỗi phát triển phôi sớm không được tái tạo.

3.1.4. Ung thư biểu mô màng đệm không chửa đẻ

U giống như ung thư biểu mô màng đệm có mang, ung thư biểu mô màng đệm không chửa đẻ, hiếm khi là thể đơn thuần, thường biệt hoá thành một hỗn hợp nguyên bào nuôi tế bào, hợp bào nuôi, nguyên bào nuôi ngoài nhung mao và thường kết hợp với các thành phần tế bào mầm khác. Về mô học, có các giải, các khe (cửa sổ) hay dạng xoáy lốc hoặc các nhú của các nguyên bào nuôi và nguyên bào nuôi ngoài nhú kết hợp với nhiều hợp bào nuôi. Trong các u có thể tìm thấy các khoang hoặc các mạch dạng xoang chứa đầy máu. Xâm nhập mạch máu thường gặp.

3.1.5. Các u tế bào mầm hỗn hợp

Việc kết hợp phổ biến nhất các thành phần tế bào mầm tân sản trong các u hỗn hợp tế bào mầm của buồng trứng là u loạn phát tế bào mầm và u túi noãn hoàng. Các thành phần tế bào mầm tân sản phụ thêm bao gồm các u quái thuần thục và không thuần thục, ung thư biểu mô phôi, đa u phôi và/ hoặc ung thư biểu mô màng đệm cũng có thể có mặt. Tất cả các thành phần của u tế bào mầm hỗn hợp và tỷ lệ tương đối của chúng cần được ghi nhận trong chẩn đoán.

       Hầu hết các ung thư biểu mô phôi của buồng trứng là các u tế bào mầm hỗn hợp ác tính thực sự, thường kết hợp với u túi noãn hoàng và có thành phần chiếm các vùng rộng hoặc chiếm ưu thế của ung thư biểu mô phôi. Mặc dù đa u phôi có thể là thành phần tế bào mầm ác tính trội trong u, việc xem xét lại tất cả các trường hợp đã được công bố của đa u phôi buồng trứng cho thấy rằng các thành phần tế bào mầm khác cũng có mặt. Cũng như vậy ung thư biểu mô màng đệm của buồng trứng nguồn gốc tế bào mầm trong hầu hết các trường hợp kết hợp với các thành phần tế bào mầm tân sản khác.

3.2. Các u quái hai pha và ba pha

       Các u bao gồm các thành phần của hai hay ba lớp tế bào mầm nguyên phát (ngoại bì, trung bì, nội bì).

                   Mã ICD – O

                   U quái không thuần thục         9080/3

                   U quái thuần thục                    9080/0

                   U quái nang                             9080/0

                   U nang bì                                 9084/0

3.2.1. U quái không thuần thục

U quái không thuần thục bao gồm các khối lượng khác nhau của các mô typ phôi không thuần thục, chủ yếu dưới dạng các hình hoa hồng thần kinh ngoại bì và các ống nhỏ, hỗn hợp với mô thuần thục. Các hình hoa hồng thần kinh biểu mô được lợp bởi các tế bào A kiềm tính dày đặc với nhiều hình nhân chia và có thể nhiễm sắc tố. Trung mô không thuần thục dưới dạng mô đệm dạng nhầy lỏng lẻo với biệt hóa ổ thành sụn không thuần thục, mỡ, chất dạng xương và các nguyên bào cơ vân cũng thường có mặt. Các cấu trúc nội bì không thuần thục bao gồm mô gan, biểu mô typ ruột với hốc hóa đáy và mô thận phôi giống u Wilms ít gặp hơn. Có thể có những cấu trúc mạch không thuần thục và đôi khi chúng chiếm ưu thế.

3.2.2. U quái thuần thục

       Các u quái thuần thục bao gồm mô loại trưởng thành có nguồn gốc từ hai hoặc ba lớp phôi. Các u lành tính như bướu giáp buồng trứng, carunoid, u tuyến tế bào hướng vỏ, u prolactin, nơ-vi, u cuộn manh có thể phát sinh trong một u nang bì điển hình.

3.3. U quái đơn bì và u loại tế bào thân kết hợp với u nang bì

       U đơn bì là các u quái bao gồm một typ mô duy nhất hoặc chiếm ưu thế có nguồn gốc từ một lớp phôi (ngoại bì hoặc nội bì) và các u typ trưởng thành có nguồn gốc từ u nang bì.

       Mã ICD – O

                   Bướu giáp buồng trứng                       9090/0

                   Carcinoid                                            8240/3

                   Carcinoid nhầy                                   8243/3

                   Carcinoid u giáp                                 9091/1

                   U màng nội tủy                                   9391/3

                   U thần kinh ngoại bì nguyên thủy      9473/3

                   U nguyên bào đệm đa hình                9440/3

                   U quái có chuyển dạng ác tính          9084/3

                   U hắc tố ác tính                                  8720/3

                   Nơ vi hắc tố bào                                 8720/0

                   U tuyến bã                                         8410/0

                   Ung thư biểu mô tuyến bã                 8410/3

                   U nguyên bào võng mạc               9363/0

3.3.1. Bướu giáp buồng trứng

Bướu giáp buồng trứng bao gồm mô tuyến giáp bình thường hoặc tăng sản với các hình thái gặp trong u tuyến tuyến giáp như nang vi thể, nang đại thể, bè và đặc. Các tế bào ưa toan hoặc sáng có thể được tìm thấy. Bướu giáp nang bao gồm các vách xơ mỏng được lót bởi các tế bào dẹt hoặc khối vuông với các nang giáp điển hình trong vách u nang. Phản ứng miễn dịch với thyroglobin có thể có lợi trong các trường hợp khó như bướu giáp nang, biến thể tế bào ủa toan và sáng và các cấu trúc bì phải được phân biệt với các u tế bào Sertoli- Leydig. Các tiêu chuẩn được sử dụng cho những biến đổi ác tính trong bướu giáp buồng trứng cũng giống như các tiêu chuẩn được sử dụng để chẩn đoán u ác tính trong tuyến giáp. Ung thư biểu mô nhú (85% các trường hợp) thể hiện các nhân kính mờ điển hình. Tuy nhiên, các ung thư biểu mô nang khó chẩn đoán vì bướu giáp buồng trứng thường không có vỏ và có đường viền không đều.

3.3.2. Carcinoid

Carcinoid đảo chiếm khoảng 26- 53% các trường hợp và giống các carcinoid có nguồn gốc ruột giữa (midgut). U bao gồm các ổ tế bào tròn với các nhân đồng đều và bào tương ưa toan rộng có chứa các hạt ưa bạc nhỏ ở vùng rìa của u. Có hình thành các nang (acni) và hình thái dạng sàng với chất chế tiết ưa toan.

       Carcinoid bè chiếm 23- 29% các trường hợp và giống các carcinoid có nguồn gốc ruột sau hoặc ruột giữa. U biểu hiện các dải hình làn sóng hoặc nối với nhau bao gồm các tế bào hình trụ với trục dọc của các tế bào song song với nhau với các nhân có hạt nhân nổi rõ. Bào tương rộng có hạt mịn với các hạt ưa bạc màu vàng đỏ ở cả hai cực của nhân.

       Carcinoid nhầy chỉ chiếm khoảng 1,5% các trường hợp và giống carcinoid tế bào hình cốc phát sinh từ ruột thừa. Carcinoid nhầy biệt hóa cao bao gồm nhiều tuyến nhỏ được lót bởi các tế bào hình trụ hay hình khối vuông, một số tế bào có chứa chất nhầy nội bào tương và có hình cốc, trong khi các tế bào khác có các hạt thần kinh nội tiết màu vàng đỏ. Các tế bào u riêng lẻ có thể chứa các mucin và các hạt thần kinh nội tiết. Các tuyến có thể bơi trong bể chất nhầy. Chất nhầy này cũng phân tách mô đệm vây quanh với các tế bào nhẫn riêng lẻ xâm nhập mô đệm. Carcinoid nhầy không điển hình có các tuyến dày đặc hoặc hình thái mắt sàng. Các u biểu mô phát sinh trong một carcinoid nhầy có các đảo lớn các tế bào u hoặc các tuyến đứng sát nhau với các nhân độ cao, nhiều hình nhân chia và hoại tử .

       Carcinoid bướu giáp chiếm 26- 44% các trường hợp và bao gồm các tỷ lệ khác nhau của mô giáp và carcinoid, vùng carcinoid này chủ yếu có cấu trúc bè. Các tế bào thần kinh nội tiết xâm nhập mạch dần thành phần bướu giáp, thay thế các tế bào lót nang. Các tuyến hoặc các nang được lót bởi biểu mô trụ với  các tế bào hình cốc có thể được tìm thấy.

       Các carcinoid với các hình thái hỗn hợp (chủ yếu là đảo và bè) được xếp loại theo hình thái chiếm ưu thế.

3.3.3. Các u thần kinh ngoại bì

Các u này thường giống về hình thái với loại tương đương của hệ thống thần kinh. Có thể chia thành ba loại như sau:

(1)   Thể biệt hóa cao như u màng nội tủy

(2)   Các u biệt hóa kém như u thần kinh ngoại bì nguyên thủy (PNET) và u biểu mô tủy.

(3)   Các thể mất biệt hóa như u nguyên bào đệm đa hình.

       Trong khi u màng nội tủy không được tìm thấy kết hợp với u quái, các u thần kinh ngoại bì khác trong buồng trứng có thể kết hợp với các thành phần của u quái thuần thục hoặc không thuần thục. Các trường hợp đã được báo cáo trước đây như u nguyên bào thần kinh hoặc u nguyên bào tủy hiện nay phần lớn được xếp loại như u thần kinh ngoại bì nguyên thủy vì hình thái học của ba loại u này giống như thuật ngữ u nguyên bào tủy được dùng cho tiểu não và u nguyên bào tủy cho các u thượng thận. Mặt khác có hình ảnh đặc biệt biểu hiện là sự sắp xếp hình nhú, ống nhỏ hoặc các bè của biểu mô thần kinh tăng sản giống ống thần kinh phôi.

3.3.4. Các ung thư biểu mô

       Đó là một u nang bì trong đó một ung thư thứ phát phát sinh.

U ác tính có thể được phát hiện chỉ sau khi xét nghiệm mô học, vì vậy các u nang bì ở các phụ nữ phải được lấy mẫu một cách đầy đủ. Bất kỳ một thành phần nào của một u quái thuần thục đều có thể trải qua chuyển dạng ác tính. Ung thư biểu mô tuyến là u ác tính phổ biến nhất đứng hàng thứ hai phát sinh trong các u nang bì. Ung thư biểu mô tuyến typ ruột, bệnh Paget, ung thư biểu mô tyuến vảy, ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp, ung thư biểu mô không biệt hóa, ung thư biểu mô tế bào nhỏ, ung thư biểu mô tế bào sáng và caxino- sacôm vừa được mô tả. Thành phần ác tính xâm nhập các phần khác của u nang bì và thành của nó.

3.3.5. Các sacôm

       Sacôm chiếm 8% các trường hợp các u nang bì và thường gặp hơn ở những bệnh nhân trẻ hơn so với các bệnh nhân ung thư biểu mô vảy. Các trường hợp sacôm cơ trơn, sacôm mạch, sacôm xương, sacôm sụn, sacôm xơ, sacôm cơ vân và các u mô bào xơ ác tính đã được báo cáo.

3.3.6. Các u tuyến bã

       Các u tuyến bã là các u đặc biệt phát sinh trong các u nang bì buồng trứng giống với các thể khác nhau của u tuyến bã của da (u tuyến tuyến bã, ung thư biểu mô tế bào đáy có biệt hóa tuyến bã, ung thư biểu mô tuyến bã). Dấu hiệu của các tổn thương này là sự có mặt của một số lượng lớn các tế bào tuyến bã thuần thục, dạng bọt hoặc có nhiều bọt nhuộm dương tính với oil red O trong các u phát sinh trong một u nang bì.

3.3.7. Các u loại tuyến yên

       Các u tuyến tế bào hướng vỏ và u prolactin, theo thứ tự gây hội chứng Cushing và tăng prolactin máu với mất kinh và có thể phát sinh trong một u nang bì điển hình và có diễn biến lâm sàng lành tính.

3.3.7. Các u mầm (nguyên bào) võng mạc

       U loại giống (progonoma) sắc tố và các u ác tính phát sinh từ mầm võng mạc trong các u quái buồng trứng có các vùng nhiễm sắc tố vi thể tương ứng với các ổ đặc, ống nhỏ và nhú bao gồm các tế bào không điển hình với bào tương chứa melanin.

3.4. Các u đơn bào khác và các u liên quan

       Các nang thần kinh của buồng trứng được phủ bởi một lớp duy nhất các tế bào màng nội tủy với chất trắng, sao bào và các tế bào đệm phản ứng trong vách nằm dưới tương đương một u quái đơn bào với biệt hóa thần kinh không định hướng. Tương tự như vậy, các biến thể nội bì của một u quái không thuần thục được phủ bởi biểu mô hô hấp và u nang bì buồng trứng có thể rơi vào loại u quái đơn bì.

       U tuyến nang nhầy phát sinh trong các u quái thuần thục có genotyp u quái đồng hợp tử chứng tỏ nguồn gốc tế bào mầm của chúng. Các u nguồn gốc trung bì như u mỡ bao gồm các tế bào mỡ thuần thục với các tuyến mô lồi lành tính xen kẽ có thể gặp. U cuộn mạch hiếm khi phát sinh trong một u nang bì điển hình.

3.5. Các u hỗn hợp tế bào mầm, dây sinh dục- mô đệm

       Nhóm u này bao gồm hỗn hợp các thành phần tế bào mầm và dây sinh dục- mô đệm. Chúng có diễn biến lâm sàng chủ yếu là lành tính trừ các trường hợp với thành phần tế bào mầm ác tính.

3.6. U nguyên bào tuyến sinh dục

       U nguyên bào tuyến sinh dục là một u bao gồm các tế bào giống u loạn phát tế bào mầm hoặc u tinh, hỗn hợp với các thành phần dây sinh dục giống các tế bào Sertoli hoặc các tế bào hạt và trong một số trường hợp có chứa các tế bào mô đệm giống các tế bào mô đệm hoàng thể hóa hoặc tế bào Leydig không có các tinh thể Reinke.

                   Mã ICD – O         

                   U nguyên bào tuyến sinh dục          9073/1

Về mô bệnh học, u nguyên bào tuyến sinh dục gồm hai loại tế bào chính, các tế bào mầm giống như các tế bào trong u loạn phát tế bào mầm hay u tinh và các thành phần nguồn gốc dây sinh dục giống các tế bào Sertoli và các tế bào hạt. Mô đệm có thể chứa tập hợp các tế bào hoàng thể hóa hoặc giống tế bào Leydig không có các tinh thể Reinke. U được xếp thành một tập hợp các ổ tế bào vây quanh bởi mô liên kết. Các ổ tế bào đặc, thường nhỏ, hình trái xoan hay hình tròn, nhưng đôi khi có thể lớn hơn và kéo dài. Các ổ tế bào thường bao gồm các tế bào mầm và các tế bào thuộc dây sinh dục hỗn hợp chặt chẽ với nhau. Các tế bào mầm lớn và tròn  với bào tương sáng và dạng hạt mịn và nhân lớn, tròn, hình túi với hạt nhân nổi rõ và các hình nhân chia có thể nhiều. Hình ảnh mô học, siêu cấu trúc và các phản ứng hóa mô miễn dịch có thể giống với các tế bào mầm của u loạn phát tế bào mầm và u tinh. Các tế bào Sertoli và tế bào hạt nhỏ hơn và giống biểu mô. Các tế bào này tròn hoặc hình trái xoan và chứa các nhân tăng sắc hình trái xoan hoặc hơi dài hình củ cà rốt. Chúng không có hoạt động nhân chia. Các tế bào nguồn gốc dây sinh dục nằm trong các ổ tế bào dưới ba hình thái điển hình :

(1)   Tạo thành hình thái vòng dọc theo chu vi các ổ

(2)   Vây quanh các tế bào mầm đứng riêng lẻ hay tạo thành một tập hợp

(3)   Vây quanh các khoảng tròn nhỏ có chứa một vật liệu vô hình, trong, ưa toan, dương tính với PAS, giống các thể Call- Exner.

       Mô đệm liên kết vây quanh các ổ tế bào có thể nghèo nàn hoặc phong phú và có nhiều tế bào giống mô đệm của buồng trứng, hoặc dày đặc và trong hóa. Nó có thể chứa các tế bào hoàng thể hóa hoặc giống tế bào Leydig không có các tinh thể Reinke.

       Ba quá trình trong hóa, vôi hóa và phát triển quá mức thành phần tế bào mầm ác tính, thường là u loạn phát tế bào mầm có thể làm thay đổi hình ảnh mô học cơ bản của u nguyên bào tuyến sinh dục. Trong hóa xảy ra do sự kết hợp làm một các thể trong và các dải vật liệu trong vây quanh các ổ với sự thay thế các chất chứa của tế bào. Vôi hóa có nguồn gốc trong các thể giống thể Call- Exner trong hóa và quan sát thấy trên mô học ở trên 80% các trường hợp . Nó có xu hướng thay thế các ổ trong hóa để tạo thành các kết thể vôi hóa tròn. Sự kết hợp làm một của các kết thể như vậy có thể tạo dẫn đến vôi hóa toàn bộ tổn thương và sự có mặt của các thể vôi hóa tròn nhẵn có thể chỉ là bằng chứng là u nguyên bào tuyến sinh dục đã tồn tại.

       Trong nhiều trường hợp tuyến sinh dục nguồn gốc u không được xác định vì sự phát triển quá mức của u. Khi bản chất tuyến sinh dục có thể được xác định, nó thường là một vệt hoặc tinh hoàn và tinh hoàn này giống nhiều với u nguyên bào tuyến sinh dục. Đôi khi u nguyên bào tuyến sinh dục có thể được tìm thấy trong các buồng trứng bình thường.

3.7. U hỗn hợp tế bào mầm- dây sinh dục- mô đệm

       U hỗn hợp tế bào mầm- dây sinh dục- mô đệm bao gồm các tế bào mầm và các tế bào có từ dây sinh dục giống các tế bào Sertoli hoặc tế bào hạt hòa trộn với nhau. Các tế bào u tạo thành bốn thể mô học khác nhau :

       (1) Hình thái giống dây hoặc bè bao gồm các dây hoặc bè dài, hẹp, chia nhánh, từng chỗ mở rộng thành các cột rộng hơn hoặc các đám tế bào tròn rộng hơn được vây quanh bởi một mô đệm liên kết thay đổi từ đặc và trong hóa tới lỏng lẻo và phù.

       (2) Hình thái ống nhỏ bao gồm các ống nhỏ đặc vây quanh bởi một vách liên kết mỏng và chứa các tế bào nguyên gốc dây sinh dục giống biểu mô nhỏ hơn khu trú ở chu vi vây quanh các tế bào mầm, tròn, lớn với bào tương sáng hoặc dạng hạt nhẹ và các nhân hình túi lớn có chứa hạt nhân nổi rõ.

       (3) Một hình thái ngẫu nhiên bao gồm các đám tế bào mầm rải rác vây quanh bởi các tế bào nguồn gốc dây sinh dục. Chúng có thể rất nhiều.

       (4) Hình thái hỗn hợp bao gồm một hỗn hợp của ba loại thành phần nêu trên không có thành phần nào chiếm ưu thế.

       Các tế bào mầm có hoạt động nhân chia và rất giống các tế bào của u loạn phát tế bào mầm, nhưng trong một số trường hợp chúng biệt hóa hơn, có nhân nhỏ hơn và ít hoạt động nhân chia.

       Không giống như các phát hiện tìm thấy trong u nguyên bào tuyến sinh dục, các tế bào nguồn gốc dây sinh dục cũng có hoạt động nhân chia.

       Thành phần của u hỗn hợp tế bào mầm- dây sinh dục- mô đệm thay đổi và trong một số vùng các thành phần dây sinh dục có thể chiếm ưu thế, trong khi ở các vùng khác có sự ưu thế của các tế bào mầm. Các nang được quan sát thấy trong một số u giống các nang trong các u tế bào Sertoli thể nang và lưới và cần được phân biệt với các nang và nhú trong các u thanh dịch buồng trứng, chúng có thể giống các u này trên bề mặt.

       Mặc dù các u hỗn hợp tế bào mầm- dây sinh dục- mô đệm yhường là thể thể đơn thuần, mới đây đã ghi nhận là khoảng 10% các trường hợp có kết hợp với u loạn phát tế bào mầm hoặc các thành phần tế bào mầm khác. Phát hiện này ít phổ biến hơn nhiều so với trong u nguyên bào tuyến sinh dục.

       U thường được tìm thấy trong các buồng trứng bình thường và nếu như tuyến sinh dục đôi bên không bị tổn thương được xét nghiệm, đó là một buồng trứng bình thường.

 


CREDCA

Hệ thống cơ quan

Mô học của các u buồng trứng 7/21/2008 9:26:39 AM
SACÔM HUYẾT QUẢN VỚI HÌNH ẢNH TẾ BÀO HẠT 12/4/2007 3:08:09 PM
BỆNH HỌC U NÃO 9/24/2007 8:35:42 AM

Trường hợp đặc biệt

U NGUYÊN BÀO TẠO MEN 11/13/2007 2:49:43 PM

U LYMPHO

U LYMPHO T LENNERT (LYMPHO – BÁN LIÊN) 11/28/2007 8:56:58 AM

LYMPHOMA

T- cell Lennert’ s lymphoma 11/28/2007 9:06:55 AM
<p><strong>Chuyen cua chau Nguyen Ngoc Khanh</strong></p>
<p>Anh <strong>Đặng Đ&igrave;nh Thiết</strong><br/>(ảnh chụp năm 2006)</p>
<p><strong>Sach da xuat ban</strong></p>
<p><strong>Sach da xuat ban</strong></p>
<p><strong>Sach da xuat ban</strong></p>
<p><strong>Sach da xuat ban</strong></p>
<p><strong>Sach da xuat ban</strong></p>
<p><strong>Sach da xuat ban</strong></p>